Làng Hưng Giáo có từ xa xưa như bao làng quê khác. Chỉ biết rằng thời kỳ ban đầu gọi là làng Hưng Giáo thuộc trang Đại Định, sau gọi là Hưng Giáo xã.
Qua nghiên cứu lại một số tài liệu lịch sử cùng với văn bia hiện còn một số ít; tương truyền từ các dòng họ cho thấy: Vào một thời rất xa xưa, khoảng thế kỷ thứ nhất, nơi đây còn là một vùng tiểu lâm thì đã có một dòng họ Hoàng sinh sống. Nhưng do sự giốn đông đặc biệt của thiên nhiên và lịch sử mà sau này trở thành một cái gò bằng, không có người ở. Cây cối nơi đây xum xuê, không có thú dữ, không có cây lá độc nên việc đi lại dễ dàng. Thủy chế ở đây cũng thuận tiện nên đã có những người thuộc các dòng họ Lê Tiến và Lê Đình… di cư từ miền trên xuống định cư rồi sinh sôi nảy nở thành chòm, thành xóm.
Đến thế kỷ thứ XI, có cụ Nguyễn Huy quê ở làng Canh Hoạch ( một viên quan đại trào thời nhà Lý- Được phong tước Quận Công). Sau khi mãn tang cha mẹ, Người đã về đây lập Thái ấp, dạy dân ta cày cấy, canh cửi và học chữ… mở đầu cho thời kỳ văn minh thịnh vượng của thôn nhà.
Lúc ấy, làng có tên là Hưng Giáo phường thuộc trang Đại Định. Sau đổi tên là Hưng Giáo xã thuộc tổng Đại Định. Khi đất lành chim đậu thì nối tiếp là các dòng họ Lê Huy, họ Bùi, họ Nguyễn, họ Phạm … cùng đến định cư, xóm làng dần trở nên đông đúc, quy củ. Trong sách cổ xưa và văn bia của làng có ghi:
“ Ký phú ký thứ gia dĩ giáo
Như cương như lăng mạc bất hưng”
Nghĩa là: Dân thôn ta giàu mạnh lại có giáo hóa. Và tên làng từ đó mà ra.
Để tỏ lòng biết ơn những người có công với dân với nước của nhân dân trong làng, Đình, chùa, đền, miếu đã được hình thành từ thế kỉ XVI nhằm thờ tự và lưu truyền cho hậu thế
Vào năm Vĩnh Tộ thứ 9 ( 1676) Làng Hưng Giáo được đón cụ Tây Việt Quốc ở huyện Thanh Huê- Thừa Thiên Huế cùng với sáu bà Quận chúa về thăm. Lúc này dân làng có hằng tâm, hằng sản đem cúng vào Tam bảo. Được tiếng đó, năm 1696, cụ Hậu Bằng từ một miền xa xôi đã về đây tậu 39 mẫu ruộng, đất rồi đem cúng vào làng tất cả.
Từ khi đó, dân làng ta làm ăn cần cù tần tiệm, một mặt giảm cỗ bàn nhiều năm nên đã có đủ tiền mua vật liệu đủ làm Đình, làm Chùa, rồi lại lát đường gạch, xây dựng cầu quán ngoài đồng cho dân trú nắng trú mưa đảm bảo canh tác thời vụ…
Trong làng còn có nhiều vị danh nhân, có học vị Tiến sĩ, Bảng nhỡn, Thám hoa, Tú tài… Về võ có Hầu Tướng Vinh Phong. Các thuần phong mỹ tục như Lễ- Hội, rước sách, tế thần… cũng khác hẳn mọi nơi. Ở làng còn nhiều bút tích, kỷ vật văn hóa được bảo tồn lưu trữ. Trải qua các triều đại gần một nghìn năm từ Nhà Lý đến Nhà Trần thì riêng Đức Đương Cảnh Thành Hoàng của làng được phong 25 đạo sắc. Vì lâu đời, dân ta còn giữ được 21 đạo sắc. Ngày nay đã dịch ra chữ quốc ngữ và tìm ra niên biểu, ngày tháng dương lịch để tiện tra cứu…
Hệ thống đường làng, ngõ xóm lát gạch vòng lượn biểu hiện một phần dấu ấn của làng văn, cổ xưa. Truyền thống đánh giặc giữ làng là một vốn quý. Tương truyền rằng, năm 40 sau Công nguyên, khi hai bà Trưng kéo quân ra đây đánh dẹp quân Tô Định thì trong các dòng họ của làng cũng có người theo hai bà đi đánh giặc. Những bức bờ lũy cao, dày bao quanh cùng một hệ thống sáu cái cổng làng ngăn giữ vững chãi. Điều đó đã nói lên ý chí quyết đánh quyết thắng của ông cha ta xưa.
Từ ngày có Đảng, làng Hưng Giáo được chọn là nơi huấn luyện cán bộ lãnh đạo Cách mạng tiền khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp thì nơi đây cũng trở thành một pháo đài thép. Đã có nhiều trận đánh tiêu biểu như: Trận đánh ngày 6/1/1951 đã được Học viện quân sự Việt Nam yêu cầu trình diễn lại để nghiên cứu học tập…
Trong xây dựng- Hòa bình và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hưng Giáo có nhiều cống hiến đáng tự hào: Người người tham gia các lực lượng vũ trang. Có những người là thương binh, liệt sĩ… Nhiều gia đình là cơ sở Cách mạng và kháng chiến.
Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Mua bán và tín dụng… được xây dựng đầu tiên vào tháng 8 năm 1958.
(Theo tư liệu của cụ Lê Tiến Khoan và các các cụ cao tuổi trong làng dịch và sưu tầm ngày 20 tháng 01 năm 1991)