Về nơi “Mỗi người dân là một thi sĩ”

VỀ NƠI “MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT THI SĨ”
Tháng hai mưa bụi, hai bên đường mới mở về làng Hưng Giáo (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) lúa xanh phủ kín ruộng đồng. Đó cũng chính là lúc người làng Hưng Giáo tưng bừng mở hội.
LÀNG THƠ -THƠ LÀNG
Trước khi về Hưng Giáo, Nhà thơ Lê Tiến Vượng có rỉ tai chúng tôi: Các bạn du xuân, cứ về đó, không phí tí nào cả. Ông “cam kết” thế mà không sợ quá lời, bởi đã mấy năm liền, cứ đến ngày 10 tháng 2 âm lịch là Nhà thơ Lê Tiến Vượng lại mới một vài nhà thơ nổi tiếng về Hưng Giáo tham gia giao lưu. Ở đó không chỉ có ngày hội làng ấm áp mà còn là lúc những vần thơ được vang lên.
“Phải nói thật là tôi rất bất ngờ, thú vị và cảm động khi tận mắt được thấy thơ ca nói chung và nghệ thuật nói riêng còn có giá như thế nào, khi tham dự đêm thơ tại làng Hưng Giáo. Với tôi, mỗi người dân ở đó là một thi sĩ và họ đã làm được nhiều hơn mong ước của bất cứ thi sĩ chuyên nghiệp nào là giữ cho tình yêu quê hương, tình làng nghĩa nước còn mãi là thứ tình cảm trong lành, tinh khiết nhất”, Lê Tiến Vượng nói, rồi ông vẽ đường cho tôi về Hưng Giáo.
Các nhà thơ về giao lưu với làng Hưng Giáo
Các nhà thơ về giao lưu với làng Hưng Giáo
Vừa về tới đầu làng, chúng tôi đã tình cờ gặp ông Lê Tiến Long – Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi và ông Bùi Thế Việt – Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hưng Giáo. Nghe chuyện từ hai người con của làng, chúng tôi mới vỡ ra nhiều điều.
Truyền thống yêu thơ văn của Hưng Giáo có từ rất lâu. Có thể nói, khởi từ các cụ Bùi Mộ – đỗ Bảng nhãn khoa Giáo Thìn niên hiệu Hưng Long đời thứ 12 (1304 đời Trần Anh Tông) và cụ Lê Vĩnh Điện – đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái 4 (1892) đời Thành Thái…
Đang say sưa bên chiếc giếng làng, nơi người làng vẫn nâng niu gìn giữ và từng được “thi sĩ làng” Nguyễn Thế Đắc nhắc nhở người dân qua bốn câu thơ:
Xin đừng làm bẩn giếng làng
Giữ hàng cây đẹp, giữ làn nước trong
Cả làng còn một giếng chung
Nước mà trong sạch thì lòng dân yên.
Ai yêu thơ thì đến
Chúng tôi lại gặp được ông Lê Đình Đông – cựu Chủ nhiệm CLB thơ một thời của thôn Hưng Giáo. Ông Đông vừa đạp xe đi khắp bảy thôn trong xã để gửi giấy mời cho đêm thơ Nhịp cầu quê hương sắp diễn ra tại Nhà văn hóa thôn. “Quan điểm của chúng tôi là mời tất cả những ai yêu thơ”, ông Đông nói.
Vốn có thời gian làm ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, giờ về sống với quê hương, ông Đông được các bạn thơ tín nhiệm bầu giữ “chức” chủ nhiệm câu lạc bộ thơ của thôn. Căn phòng nhỏ trong Nhà văn hóa treo kín những tờ báo tường được trang trí khá bắt mắt. Dù chỉ là một câu lạc bộ nhỏ, với 14 thành viên, nhưng CLB thơ Hoa quê của thôn Hưng Giáo đã được thành lập ngày 20-3-1996.
Ban đầu có 6 thành viên, giờ trong số 6 người có công lập hội thơ năm ấy vẫn còn 5 người đương sinh hoạt trong câu lạc bộ. Ông Giá cho biết: giờ tuổi cao nhưng vẫn nhớ như in từng gương mặt, từng bước đi của CLB thơ quê mình. Hàng tháng, vào ngày mùng 10, các cụ vẫn sinh hoạt một buổi, những vần thơ mới được đọc như một cách chia sẻ, động viên nhau. Khi những người nông dân biết yêu thơ và làm thơ họ sẽ biết yêu nhau hơn, yêu làng yêu xóm, yêu cây lúa hơn và những cái ác cái cũ cái lạc hậu sẽ bị đẩy lùi…
Đêm thơ giao lưu quy tụ rất nhiều người yêu thơ
Đêm thơ giao lưu quy tụ rất nhiều người yêu thơ
Ngoài những người đang sống và gắn bó với làng còn có nhiều người con lớn lên từ mảnh đất này, giờ đã đi làm ăn xa cũng luôn “có thơ ở trong người”. Nhà thơ Vương Tiến Lê là một ví dụ. Anh đã cho ra mắt nhiều tập thơ, trong đó có nhiều bài thơ được giải của Hội Văn nghệ Hà Tây trước đây và Hội Văn nghệ Hà Nội ngày nay.
Theo nhà thơ Vương Tiến Lê, Hưng Giáo là một làng thuần nông, người dân nơi đây quanh năm chỉ bầu bạn với cây lúa và những lúc nông nhàn thì làm thơ, hầu như cả làng yêu thơ và biết làm thơ, CLB thơ của làng đã có từ nhiều chục năm nay, có những cụ trăm tuổi vẫn làm thơ. Như cụ Lê Tiến Đang khi 103 tuổi vẫn làm thơ, có những cháu bé lớp 1 lớp 2 cũng đã làm thơ… “Là một nhà thơ, sinh ra từ làng thơ ấy, nhà tôi từ ông, bà, bác, chú đều làm thơ, những bài thơ đi cùng năm tháng, đi bên cuộc đời đã giúp cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống, vượt qua những lúc khó khăn, vất vả…”, nhà thơ Vương Tiến Lê chia sẻ.
Tăng tính giao lưu
Ngoài sinh hoạt thường kỳ, cứ hai năm một lần, nhà thơ Vương Tiến Lê đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhịp cầu quê hương” mời Nhà thơ nổi tiếng Tô Thi Vân, Nhà văn Tạ Duy Anh làm ban Giám Khảo, anh cũng tài trợ toàn bộ giải thưởng cuộc thi và cùng CLB thơ Hưng Giáo kết hợp với CLB thơ Cánh buồm gồm các nhà thơ khá nổi tiếng như Nguyễn Đăng Luận, Đoàn Mạnh Phương, Trọng Văn, Minh Nga, Phương Thảo, Nguyễn Thị Phượng,Thanh Tùng, Đinh Ngọc Quang, Quang Huy, nhạc sĩ Lê Tâm, nhà văn trẻ Vinh Huỳnh, và đại diện các nhà thơ nổi tiếng ở các CLB thơ Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình về dự và đọc thơ giao lưu…, hoạt động này đã thu hút được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả các em học sinh, sinh viên… và những người con Hưng Giáo xa quê.
Là người đã dự những đêm thơ của làng Hưng Giáo, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tâm sự: Đôi lần được mời về tham dự và đọc thơ cùng bà con làng Hưng Giáo, lòng tôi không khỏi ngỡ ngàng và xúc động, đằng sau những luống cày, những ruộng mạ là những bài thơ quê chan chứa tình quê, tình người… Thật hiếm có ở một làng quê nơi vẫn giữ được những ao quê giếng làng, những nếp sống thanh cao giản dị, nơi có một truyền thống yêu thơ và làm thơ say sưa đến thế. Chắc chắn rằng trong “làng thơ” ấy sẽ có nhà thơ danh tiếng được sinh ra. Và chắc chắn rằng trong những bài thơ của những người nông dân viết ra sẽ có nhiều bài thơ làm say đắm lòng người.
Tiệc thơ của làng được lên báo.
Tiệc thơ của làng được lên báo.
Thanh Nguyên – Quang Hưng (năm 2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *